“Bế tắc – Từ bỏ tương lai, kết thúc cuộc đời”. Vì đâu?

Mỗi chúng ta không ai có quyền quyết định nơi mình được sinh ra, nhưng cách chúng ta sống và lớn lên như thế nào do bản thân quyết định và ảnh hưởng của môi trường xung quanh.

Cuộc sống luôn tồn tại những mảnh đời bất hạnh nhưng cũng không ít những người giàu có sống sa hoa; có những câu chuyện hạnh phúc nhưng cũng không ít những câu chuyện thương tâm. Và vì đâu, nhiều người khỏe mạnh lại muốn tìm đến cái chết bằng sự “tự tử”, trong khi bệnh tật hiểm nghèo lại cướp đi sinh mạng của những người luôn mong mỏi và khao khát được sống từng ngày?

Chúng ta từng nghe đâu đó trong xã hội này, có những lý do, những bức thư tuyệt mệnh, những lời vĩnh biệt cuối cùng trong sự tiếc nuối của người ở lại.

  • Tự tử vì áp lực công việc, tiền bạc.

“Anh bạn tôi 34 tuổi, xuất thân từ một gia đình nghèo. Vì cái nghèo, cái khó khiến anh ấy rất sợ và luôn phải cố gắng học thật giỏi, học lên thạc sĩ với mức lương 30 triệu mỗi tháng. Sau một thời gian cưới vợ, anh ấy quyết định không làm thuê nữa mà ra kinh doanh riêng để phát triển sự nghiệp. Hai vợ chồng vay mượn lên đến hàng tỷ đồng, cả ngân hàng và tín dụng đen. Nhưng lại không may kinh doanh thất bại, vỡ nợ. Vợ anh đúng lúc ấy vừa sinh đứa thứ hai nên mọi thứ đều một tay anh ấy gồng gánh, chạy ăn từng bữa, lo cho vợ con và cả phụng dưỡng ba mẹ già. Nợ thì đẻ thêm lãi mỗi ngày. Ba mẹ già lúc ốm đau cần chữa trị. Dường như anh ấy đã gục ngã với áp lực. Quá nhiều thứ bủa vây khiến anh đã tìm đến cái chết, để lại ba mẹ già cùng vợ và hai đứa con thơ.”

  • Tự tử vì áp lực học hành từ cha mẹ.

“Câu chuyện của một cậu học sinh 17 tuổi, với bức thư tuyệt mệnh, nhảy từ ban công tầng 12 của chung cư tự tử ngay trước mắt bố mình. Và liên tiếp những trường hợp học sinh nhảy lầu, treo cổ tại nhà cũng chỉ vì áp lực học hành từ cha mẹ”. Gia đình có thể không hiểu được những mâu thuẫn, những áp lực và khắc nghiệt ngoài kia mà con mình đang đối diện, thất vọng với những lần thi trượt, bị nhóm ruồng bỏ, tẩy chay. Vô tình áp lực bên ngoài xã hội, cha mẹ quên mất việc chia sẻ cùng con, mà có thể đã tạo thêm những áp lực từ gia đình với sự kỳ vọng quá lớn, khiến các em trở nên trầm cảm và cảm thấy bất lực với bản thân, tìm đến cái chết”.

  • Tự tử vì nghĩ bản thân là gánh nặng cho người khác.

“Cô gái 14 tuổi, còn đang chập chững bước vào đời. Vì những lần bị trách phạt, bị điểm kém, làm bài tập dễ mà vẫn sai, bạn bè cùng lớp cười nhạo, cô gái ấy cảm thấy tủi thân và trở nên thật vô dụng. Về nhà, nhìn thấy bố mẹ cải nhau, vì những lần bận rộn không thể đưa cô đi học, cũng có những lúc cải nhau vì việc đóng học phí cho cô. Cô sợ bố mẹ sẽ ly dị, sợ mình sẽ bị bỏ rơi. Vô tình, những nỗi sợ hãi cứ đeo bám và đè nặng lên suy nghĩ của cô, cô tự hỏi mình có phải là gánh nặng của bố mẹ hay không?. Không dám chia sẻ vì bố mẹ luôn bận rộn không đủ thời gian, vì bạn bè xa lánh, cuộc sống mỗi lúc một cô đơn và cảm giác như mình chỉ mang lại gánh nặng mà kết thúc cuộc đời khi còn quá trẻ”.

  • Tự tử vì thất tình.

“Quen nhau 8 năm, anh đã hứa rằng sau khi anh ổn định sự nghiệp sẽ cưới tôi làm vợ. Tôi và anh đều không còn ba mẹ, sống với ông bà ngoại từ nhỏ, vô tình quen nhau trong một lần đi thiện nguyện. Chúng tôi bắt đầu phát sinh tình cảm và rồi quyết định sống cùng nhau sau 1 năm tìm hiểu. Tôi và anh đều cố gắng đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, để anh có thể tiếp tục đi học vì sự nghiệp và tương lai của hai đứa, mong một ngày có thể bình an và hạnh phúc gọi nhau hai tiếng “vợ – chồng”. Vậy mà đi làm mới được 2 tháng, anh đã sẵn sàng từ bỏ 8 năm bên nhau, từ bỏ tất cả những lời hứa hẹn, những cố gắng của cả hai chỉ vì một người con gái mới quen đầy đủ vật chất hơn. Thật sự tôi rất tuyệt vọng. Tôi đã giành tất cả thanh xuân cho anh, nỗ lực cho tương lai của hai đứa vậy mà, giờ tôi chẳng còn gì cả, vẫn trong căn phòng trọ năm đó, nhưng giờ chỉ còn mỗi tôi cô quạnh, anh đã đang hạnh phúc với một người con gái khác. Thanh xuân qua đi, tình yêu cũng đã mất, cuộc sống này còn gì nữa đâu. Chúc anh ở lại vui vẻ và hạnh phúc!”

  • Tự tử vì chông chênh giữa cuộc đời.

“Tôi năm nay đã tròn 30 tuổi, từ quê lên thành phố để đi học và lập nghiệp. Sau từng ấy năm tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi vẫn chưa có sự nghiệp gì, không có người yêu, cuộc sống lủi thủi một mình trong căn phòng trọ. Với tính cách khép kín, rụt rè, tôi rất ít bạn bè, đi làm về tối chỉ biết quanh quẩn một mình. Áp lực công việc, lương thấp, cuộc sống cô đơn không có niềm vui. Tôi không biết phải bắt đầu cố gắng từ đâu, cố gắng như thế nào để thoát ra khỏi những u tối của cuộc đời. Đôi lúc tôi cũng tìm đến những chỗ đông người, tìm những cuộc vui hối hả, nhưng rồi lại chợt nhận ra mình thật lạc lõng, chẳng có gì vui. Tôi tự hỏi: “Tại sao phải sống để phải khổ sở mỗi ngày như vậy?” Tôi không còn động lực nào để tiếp tục cố gắng nữa”.

  • Tự tử vì…

Có muôn vàn lý do để một người tìm đến “cái chết”, nhưng lý do thật sự xuất phát từ đâu?

Áp lực từ chính suy nghĩ của bản thân, trầm cảm, dấu hiệu của bệnh tâm lý, không có người thân bên cạnh để chia sẻ, giải quyết những cảm xúc tiêu cực đã dẫn đến ý định tự sát.

Vì vậy, hãy dành thời gian gần gũi, yêu thương và quan tâm để cảm nhận được giá trị của bản thân và giúp những người thân xung quanh khi họ không may rơi vào trạng thái chênh vênh, mệt mỏi. Sống chậm lại và nhìn vào bên trong để hiểu rõ được bản thân, để nhận ra dấu hiệu tâm lý mà bản thân hay những người xung quanh đang phải trải qua.

Trầm cảm là một cảm xúc rất mạnh. Tuy nhiên, bản thân chúng ta luôn cần tập trung năng lượng để giải quyết vấn đề, phải đè nén nỗi buồn để trở nên vui vẻ trong xã hội. Chính vì thế, vô tình cái cảm xúc mạnh của trầm cảm không còn dễ biểu hiện ra nữa, mà nó có thể tập trung ở những triệu chứng như sau:

  • Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc cảm thấy “trống rỗng”.
  • Cảm giác tuyệt vọng, bi quan.
  • Cảm giác tội lỗi, vô giá trị và trở nên bất lực.
  • Khó ngủ, thức dậy rất sớm hoặc ngủ quá nhiều.
  • Mất hứng thú với các hoạt động và sở thích.
  • Thay đổi về cân nặng hoặc sự thèm ăn.
  • Bồn chồn, khó chịu.
  • Các triệu chứng thể chất dai dẳng, như đau cơ hoặc đau đầu.
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, cố gắng tự tử.

Đối với từng cá nhân, trầm cảm có thể xuất hiện ở những biểu hiện khác nhau và rất đa dạng. Do đó, hãy dành thời gian lắng nghe và cảm nhận, chia sẻ nhiều hơn khi gặp bất cứ vấn đề khác thường của bản thân và những người xung quanh.

“Đừng bỏ lỡ những cơ hội để rồi hối tiếc khi không còn nữa”.

Phúc Đức Law – “Điểm tựa pháp lý vững chắc”

0986.41.45.37